Lời Chúa CN 4-TN A

alt

BÀI ĐỌC I: Ml 3, 1-4
"Đấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, đến trong đền thánh Người".

Trích sách Tiên tri Malakhi.
Này đây Chúa là Thiên Chúa phán: "Đây Ta sai thiên thần Ta đi dọn đường trước mặt Ta!" Lập tức Đấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, và thiên thần giao ước mà các ngươi mong ước, đến trong đền thánh Người. Chúa các đạo binh phán: "Này đây Người đến". Ai có thể suy tưởng đến ngày Người đến, và có thể đứng vững để trông nhìn Người? Vì Người sẽ như lửa thiêu đốt, như thuốc giặt của thợ giặt. Người sẽ ngồi như thợ đúc và thợ lọc bạc, Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi, và làm cho chúng nên sạch như vàng bạc. Chúng sẽ hiến dâng lễ tế cho Chúa trong công bình. Lễ tế của Giuđa và Giêrusalem sẽ đẹp lòng Chúa, như ngày xưa và như những năm trước. Đó là lời Chúa toàn năng phán.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 23, 7. 8. 9. 10
Đáp: Vua hiển vinh là ai vậy?

Xướng: 1) Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên; vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu! để Vua hiển vinh Người ngự qua.
2) Nhưng Vua hiển vinh là ai vậy? Đó là Chúa dũng lực hùng anh, đó là Chúa anh hùng của chiến chinh.
3) Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên, vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua hiển vinh Người ngự qua.
4) Nhưng Vua hiển vinh là ai vậy? Đó là Chúa đạo thiên binh, chính Người là Hoàng Đế hiển vinh.  

BÀI ĐỌC II: Dt 2, 14-18
"Người phải nên giống anh em Mình mọi đàng".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Vì các con trẻ cùng chung thân phận máu thịt, chính Chúa Giêsu cũng giống như chúng, cũng thông phần điều đó, để nhờ cái chết của Người mà Người huỷ diệt kẻ thống trị sự chết là ma quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô lệ suốt đời. Vì chưng Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham. Bởi thế, Người nên giống anh em Mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân. Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 2,32
Alleluia, alleluia! - Ánh sang đã chiếu soi muôn dân, và là vinh quang của Israel dân Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 2, 22-32 {hoặc 22-40}
"Mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa". Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con. 
Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: "Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".

{Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: "Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!"  Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.} Đó là lời Chúa.    

 

alt

SUY NIỆM TIN MỪNG

CHÚA GIÊSU, CỦA LỄ ĐỀN TỘI

Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh không hẳn chỉ nói lên việc chu toàn Luật Cũ, nhưng còn giới thiệu cho nhân loại Lễ Vật toàn thiêu vô giá là Chúa Giêsu, Đấng thanh tẩy và cứu chuộc họ khỏi tội lỗi và sự chết. Cả ba Bài Đọc đều hướng dẫn chúng ta hướng nhìn về Chúa Giêsu, Của Lễ toàn thiêu ấy.

Cuộc gặp gỡ của ông già Simêon với cha mẹ và Chúa Giêsu hài nhi trước hết nói lên thực tại của sự sống tự nhiên nơi con người: Sự xuất hiện của trẻ sơ sinh cũng là chân lý báo hiệu sự tận cùng của tuổi già. Ông già Simêon chỉ mong có ngày gặp được Đấng là ơn cứu độ của Israel để biến đổi sự sống tự nhiên thành sự sống siêu việt, là lập tức công bố điều ông ấp ủ trong tim suốt cả một đời:"Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".   Như thế, cái ý nghĩa Dâng con trong Đền Thánh của Luật Cũ chẳng những nói lên việc mọi cá nhân con người cần phải thuộc về Chúa trong chiều kích hiện sinh hôm nay, nhưng còn là mong ước sẽ được tồn tại và thuộc về Chúa mãi mãi. Điều mong ước ấy chỉ có thể thực hiện được nhờ việc Mẹ Maria Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh làm của lễ đền tội. Và việc dâng hiến này biểu lộ ơn cứu độ đời đời được tặng ban cho cả nhân loại, mà ông già Simêon đại diện đã công bố trong ước mơ của chính mình.

Ước mơ được cứu độ của ông già Simêon cũng là ước mơ của con người. Chúa Giêsu xuất hiện trong Đền Thánh chính là Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa mạc khải cho nhân loại. Sứ điệp Người thực hiện là chu toàn Lời Chúa hôm nay. Tiên tri Malaky đã báo trước về Người: "Người sẽ như lửa thiêu đốt, như thuốc giặt của thợ giặt. Người sẽ ngồi như thợ đúc và thợ lọc bạc, Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi, và làm cho chúng nên sạch như vàng bạc." Thư thánh Phaolô gửu tín hữu Do Thái thì xác định: "Nhờ cái chết của Người mà Người huỷ diệt kẻ thống trị sự chết là ma quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô lệ suốt đời". Còn Tin Mừng thì công bố Chúa Giêsu chính là ơn cứu độ qua lời loan truyền của Simêon: "Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa". Như thế Chúa Giêsu chính là Của Lễ đền tội cho cả nhân loại.

Của Lễ Đền Tội mà Chúa Giêsu dâng hiến cho Chúa Cha trước hết được bà Anna đại diện cho Giáo Hội chúc tụng: "Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel". Và để tiếp tục công việc chúc tụng Chúa của bà Anna, Giáo Hội ngày nay hằng ngày liên tục lập lại Của Lễ Đền Tội ấy trên Bàn Thờ. Mỗi lần đến tham dự Thánh Lễ, là mỗi người chúng ta được nghe lại những lời tương tự của ông già Simêon qua miệng Gioan Tiền Hô: "Đây Chiên Thiên Chúa, Đây Đấng Xóa Bỏ Tội Trần Gian". Thánh Lễ là hiện tại hóa của Ơn Cứu Độ mà khởi sự là việc Người được dâng hiến trong Đền Thánh.

Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh, chúng ta cùng nhau tạ ơn tình yêu cứu độ mầu nhiệm của Thiên Chúa được thực hiện cho nhân loại nói chung, và cho chính cá nhân của mình nói riêng. Mỗi khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta cũng hân hoan dâng hiến chính mình, và vui sướng đọc lại lời công bố của ông già Simêon và bà Anna; đặc biệt hãy tỏ bày lòng biết ơn Chúa Giêsu, vì chúng ta còn hạnh phúc hơn hai người đó khi chính mình được rước Chúa vào lòng, trong khi họ chỉ được ẵm Người trên tay. Ước chi mừng Lễ Dâng Chúa trong Đền Thánh hôm nay sẽ khởi sự cuộc hành trình đức tin giúp chúng ta luôn hướng về và thuộc về Chúa, như ước mơ của ông già Simêon và cuộc đời tận hiến của bà Anna được kết thúc trong giây phút bình mình của ơn cứu độ là chính Chúa Giêsu, Đấng là Của Lễ Đền Tội tặng ban cho chúng ta.

Lm. Raphael Xuân Nguyên